Marketing không chỉ đơn thuần là quảng cáo hay bán hàng, mà nó là một chiến lược tổng thể giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu và gia tăng doanh số. Vậy marketing là gì? Những kiến thức cơ bản nào bạn cần biết để trở thành một marketer toàn năng? Cùng DH Marketing khám phá qua bài viết này!
1. Marketing là gì?
Theo AMA (Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ) 2025:
“Marketing là chức năng quản trị của doanh nghiệp. Là quá trình tạo ra, truyền thông và phân phối giá trị cho khách hàng. Nó là quá trình quản trị quan hệ khách hàng theo cách đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và các cổ đông.”
Còn theo Philip Kotler – cha đẻ của marketing hiện đại:
“Marketing là khoa học và nghệ thuật khám phá, sáng tạo và cung cấp giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của thị trường mục tiêu với lợi nhuận. Marketing xác định các nhu cầu và mong muốn chưa được đáp ứng. Nó xác định, đo lường và định lượng quy mô của thị trường đã xác định và tiềm năng lợi nhuận. Nó xác định phân khúc nào công ty có khả năng phục vụ tốt nhất và nó thiết kế và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ phù hợp.”
=> Điều này có nghĩa, marketing không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nó giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, sở thích, hành vi tiêu dùng của khách hàng để đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp. Một chiến lược marketing hiệu quả không chỉ giúp bán được sản phẩm mà còn xây dựng lòng trung thành của khách hàng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
2. Vai trò của Marketing trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Marketing đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp vì:
+ Thu hút khách hàng tiềm năng: Bằng cách phân tích thị trường và xác định đúng đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhóm khách hàng phù hợp với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
+ Tăng doanh số bán hàng: Marketing kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng thông qua các chiến lược giá, quảng cáo và khuyến mãi.
+ Xây dựng thương hiệu: Khi có chiến lược marketing tốt, doanh nghiệp sẽ xây dựng được hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và dễ ghi nhớ trong tâm trí khách hàng.
+ Duy trì mối quan hệ với khách hàng: Marketing không chỉ là bán hàng mà còn tạo sự kết nối lâu dài với khách hàng thông qua các chương trình tri ân, hậu mãi và các kênh tương tác trực tiếp với khách hàng.

3. Yếu tố cơ bản trong Marketing bạn cần biết
3.1 4P trong Marketing truyền thống
Mô hình 4P bao gồm các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển chiến lược marketing hiệu quả:
+ Product (Sản phẩm): Đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Một sản phẩm thành công không chỉ cần có chất lượng tốt mà còn phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
+ Price (Giá cả): Chiến lược định giá phù hợp có thể quyết định sự thành công hay thất bại của sản phẩm trên thị trường.
+ Place (Phân phối): Đưa sản phẩm đến tay khách hàng một cách thuận tiện nhất thông qua các kênh bán hàng trực tiếp, trực tuyến hoặc qua trung gian.
+ Promotion (Quảng bá): Gồm các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, PR, tiếp thị nội dung giúp sản phẩm tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu.
3.2 Marketing hiện đại – Mô hình 7P
Ngoài 4P truyền thống, marketing hiện đại bổ sung thêm 3 yếu tố quan trọng:
+ People (Con người): Nhân sự trong doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
+ Process (Quy trình): Một quy trình vận hành hiệu quả giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh.
+ Physical Evidence (Bằng chứng hữu hình): Bao gồm các yếu tố như thiết kế cửa hàng, bao bì sản phẩm, giao diện website, tất cả tạo nên sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy trong mắt khách hàng.

4. Các loại hình Marketing phổ biến hiện nay
4.1 Marketing truyền thống
Marketing truyền thống bao gồm 6 hình thức chính: Quảng cáo truyền thống, Quan hệ công chúng (PR), Tiếp thị trực tiếp, Khuyến mãi, Event marketing, Print Marketing.
– Quảng cáo truyền thống: Sử dụng các phương tiện như TV, báo chí, radio, biển bảng, banner… để tiếp cận khách hàng. Đây là phương pháp hiệu quả trong việc nâng cao nhận diện thương hiệu nhờ phạm vi tiếp cận rộng rãi.
– Quan hệ công chúng (PR): Tập trung vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua quan hệ báo chí, thông cáo báo chí và tổ chức sự kiện. Mục tiêu là tạo dựng uy tín, quản lý danh tiếng và tác động tích cực đến công chúng.
– Tiếp thị trực tiếp: Sử dụng điện thoại hoặc thư trực tiếp để liên hệ với khách hàng, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, giải đáp thắc mắc và thu thập phản hồi. Phương pháp này hiệu quả trong việc cá nhân hóa trải nghiệm nhưng cần thực hiện tinh tế để tránh gây phiền hà.
– Khuyến mãi: Bao gồm các chiến lược như giảm giá, tặng quà, tích điểm nhằm khuyến khích khách hàng mua sắm và gia tăng lòng trung thành.
– Event Marketing: Tổ chức sự kiện giúp thương hiệu tạo ra trải nghiệm thực tế, thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Đây là cách hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng.
– Print Marketing (Tiếp thị in ấn): Sử dụng tài liệu in ấn như báo, tạp chí, tờ rơi, danh thiếp, catalog để quảng bá thương hiệu. Phù hợp với đối tượng thường xuyên tiếp cận nội dung truyền thống.

4.2 Marketing kỹ thuật số (Digital Marketing)
Digital Marketing bao gồm 11 hình thức chính: SEO, Quảng cáo trực tuyến, Content Marketing, Social Media Marketing, Video Marketing, Brand Marketing, Email Marketing, Influencer Marketing, Affiliate Marketing, Webinar & Online Events, PR hiện đại.
– SEO (Search Engine Optimization): Tối ưu hóa website để cải thiện thứ hạng trên Google, Bing…, giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu vào thời điểm họ cần.
– Quảng cáo trực tuyến: Sử dụng nền tảng Google Ads, Facebook Ads, YouTube Ads… để đưa thông điệp quảng cáo đến đúng đối tượng. Cho phép nhắm mục tiêu chính xác và đo lường hiệu quả rõ ràng.
– Content Marketing: Tạo và chia sẻ nội dung hữu ích như blog, ebook, video, infographic… nhằm xây dựng lòng tin, thu hút khách hàng và tăng khả năng chuyển đổi.
– Social Media Marketing: Tiếp thị trên các nền tảng Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, LinkedIn… để kết nối với khách hàng, tăng nhận diện thương hiệu và thúc đẩy doanh số.
– Video Marketing: Sử dụng video để quảng bá thương hiệu thông qua YouTube, TikTok, Facebook Reels… giúp thu hút người xem và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
– Brand Marketing (Tiếp thị thương hiệu): Chiến lược xây dựng hình ảnh và giá trị thương hiệu, giúp doanh nghiệp ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng bằng cách đồng nhất thông điệp trên mọi nền tảng.
– Email Marketing: Gửi email quảng bá sản phẩm, chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng để duy trì kết nối và tăng doanh số bán hàng.
– Influencer Marketing: Hợp tác với KOLs, Influencers để tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng xã hội. Chiến lược này giúp tăng độ tin cậy và thúc đẩy quyết định mua hàng.
– Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết): Hợp tác với đối tác hoặc cá nhân để quảng bá sản phẩm, trong đó họ sẽ nhận hoa hồng trên mỗi giao dịch thành công.
– Webinar & Online Events: Tổ chức hội thảo trực tuyến, livestream giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm và xây dựng vị thế thương hiệu.
– PR trong thời đại số: Bao gồm các hoạt động viết bài PR, thông cáo báo chí, hợp tác với báo chí, KOLs và quản lý khủng hoảng trên mạng xã hội để xây dựng uy tín thương hiệu.

5. Marketing trong doanh nghiệp thì làm những công việc gì?
Marketing trong doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở quảng cáo hay bán hàng mà còn bao gồm nhiều hoạt động nhằm tiếp cận, thu hút và duy trì khách hàng. Một công đoạn đầy đủ của marketing trong một doanh nghiệp sẽ được biểu thị như sau:
a. Nghiên cứu thị trường (Market Research)
Bộ phận này chịu trách nhiệm thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu thị trường, khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Các hoạt động chính bao gồm:
+ Khảo sát và nghiên cứu hành vi của khách hàng.
+ Phân tích những xu hướng hiện tại và tương lai của thị trường.
+ Đánh giá đối thủ cạnh tranh.
+ Test sản phẩm trước khi chính thức ra mắt thị trường
b. Chiến lược thương hiệu (Branding)
Xây dựng và quản lý thương hiệu giúp doanh nghiệp có vị trí vững chắc trong tâm trí khách hàng. Một số công việc chính của bộ phận:
+ Định vị thương hiệu trên thị trường (Brand Positioning).
+ Xây dựng nhận diện thương hiệu (logo, slogan, màu sắc, bao bì).
+ Đồng bộ và quản lý hình ảnh trên mọi nền tảng.
+ Kiểm soát danh tiếng thương hiệu.
c. Tiếp thị nội dung (Content Marketing)
Bộ phận này tập trung vào việc tạo nội dung có giá trị để thu hút và giữ chân khách hàng. Các hoạt động chính:
+ Viết blog, ebook, infographic.
+ Tạo video, podcast.
+ Quản lý nội dung trên website và mạng xã hội.
d. Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing)
Digital marketing bao gồm các chiến lược quảng bá trên nền tảng trực tuyến:
+ Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO): Giúp tăng thứ hạng website của bạn trên google.
+ Quảng cáo trả phí (PPC – Pay Per Click): Chạy Google Ads, Facebook Ads, Titkok Ads.
+ Email Marketing: Remarketing chăm sóc khách hàng, tận dụng nguồn data.
+ Social Media Marketing: Xây dựng và quản lý nội dung trên các nền tảng như Facebook, Tiktok, Instagram, LinkedIn…
e. Quản lý quan hệ khách hàng (CRM – Customer Relationship Management)
Bộ phận này tập trung vào việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng thông qua: Các chương trình chăm sóc khách hàng, email marketing cá nhân hóa, quản lý phản hồi và đánh giá từ phía khách hàng.
f. Quản lý sản phẩm và giá cả (Product & Pricing Strategy)
Bộ phận này làm việc chặt chẽ với các phòng ban khác để định hình chiến lược sản phẩm và giá bán. Các công việc bao gồm:
+ Nghiên cứu thị hiếu, insight khách hàng để phát triển sản phẩm.
+ Xây dựng chiến lược định giá (thâm nhập, cao cấp, hớt váng, cao – thấp…)
+ Quản lý vòng đời sản phẩm.
g. Quảng cáo và truyền thông (Advertising & Public Relations – PR)
Bộ phận này chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu và xây dựng quan hệ với công chúng thông qua:
+ Quảng cáo truyền thống (TV, báo chí, biển quảng cáo).
+ Quảng cáo kỹ thuật số (Facebook Ads, Google Ads, Tiktok Ads).
+ Hợp tác với các Influencers, KOLs.
+ Quan hệ báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Xem thêm cách các thương hiệu làm truyền thông chiến dịch Tết:
+ Phân tích chiến dịch Tết 2025 của Pepsi “Mang Tết về nhà, làm con ba mẹ”
6. Ví dụ về hoạt động Marketing của thương hiệu nổi tiếng Coca-Cola

Nghiên cứu thị trường:
Coca-Cola luôn đặt việc hiểu khách hàng lên hàng đầu. Họ tiến hành nghiên cứu thị trường toàn cầu để nắm bắt xu hướng tiêu dùng, sở thích và hành vi của người dùng. Bằng cách phân tích dữ liệu từ các thị trường khác nhau, Coca-Cola có thể dự đoán được nhu cầu về đồ uống và điều chỉnh chiến lược phù hợp với từng khu vực.
Phát triển sản phẩm:
Từ những thông tin thu thập được, Coca-Cola không ngừng đổi mới và mở rộng danh mục sản phẩm. Họ cung cấp một loạt các sản phẩm đa dạng như Coca-Cola Classic, Diet Coke, Coca-Cola Zero, cùng nhiều loại nước ngọt có gas và không gas khác. Đặc biệt, họ luôn chú trọng đến việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng tiêu dùng lành mạnh và bền vững, chẳng hạn như các dòng đồ uống ít đường hoặc không đường.
Chiến lược giá cả:
Coca-Cola áp dụng chiến lược giá cả linh hoạt và cạnh tranh. Họ cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo mức giá phù hợp với giá trị sản phẩm, đồng thời vẫn đáp ứng được khả năng chi trả của khách hàng. Điều này giúp họ duy trì vị thế trên thị trường và thu hút được nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Quảng cáo và xây dựng thương hiệu:
Coca-Cola là bậc thầy trong việc xây dựng thương hiệu thông qua các chiến dịch quảng cáo đầy cảm xúc. Những slogan như “Open Happiness” hay “Taste the Feeling” không chỉ truyền tải thông điệp về sản phẩm mà còn tạo ra sự kết nối sâu sắc với khách hàng. Họ biến Coca-Cola không chỉ là một loại nước ngọt mà còn là biểu tượng của niềm vui, sự chia sẻ và khoảnh khắc đáng nhớ.
Hệ thống phân phối:
Coca-Cola sở hữu một mạng lưới phân phối rộng khắp toàn cầu, đảm bảo sản phẩm của họ có mặt tại mọi nơi, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến nhà hàng, quán café. Hệ thống phân phối hiệu quả này giúp Coca-Cola duy trì sự hiện diện mạnh mẽ và dễ dàng tiếp cận khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi.
Xây dựng mối quan hệ khách hàng:
Coca-Cola không chỉ bán sản phẩm mà còn tạo dựng một cộng đồng khách hàng trung thành. Thông qua các chương trình khuyến mãi, sự kiện và hoạt động tương tác trực tuyến, họ liên tục kết nối và mang lại trải nghiệm độc đáo cho người dùng. Điều này giúp Coca-Cola không chỉ là một thương hiệu mà còn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng.
Có thể thấy, marketing của Coca-Cola không đơn thuần là quảng cáo và bán hàng để thu lợi nhuận. Đó là một quá trình toàn diện, từ việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, định giá, phân phối đến xây dựng thương hiệu và tương tác với khách hàng. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng: thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó tạo ra giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
>>> Marketing là một hệ thống các hoạt động giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu và gia tăng doanh số. Để thành công, doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới và cập nhật các xu hướng marketing mới nhất. Xu hướng hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp đang chuyển dần sang marketing số, tận dụng AI, dữ liệu lớn và cá nhân hóa để nâng cao hiệu quả tiếp thị.
Theo dõi DH Marketing mỗi ngày để cập nhật những kiến thức mới nhất về marketing nhé!
Website: dhmarketing.vn
Fanpage: DH Marketing
Có thể bạn quan tâm:
10+ xu hướng Marketing nổi bật năm 2025 theo Kantar
Xu hướng phát triển Influencer Marketing năm 2025